Đánh hàng hiệu, hàng cao cấp từ Quảng Châu, Trung Quốc

8
“Muốn có “hàng độc” của bất kỳ hãng thời trang nổi tiếng nào, hãy đến chợ Bạc Má (TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc). Mẫu mới nhất của thế giới vừa tung ra, chỉ 5 ngày sau tại chợ Bạc Má người ta đã tìm thấy những cái… y chang”

5 năm qua, khách sạn của bà Mi thường xuyên đón những đoàn thương gia từ khắp nơi trên thế giới đến để tìm kiếm cơ hội kinh doanh hàng dệt may. Sau khi đi thăm chợ Bạc Má, ai ra về cũng hỉ hả… Nắm bắt nhu cầu của khách, bà Mi mở thêm một ngành nghề mới: Kinh doanh thương mại – dịch vụ dệt may.

Khách hàng muốn bất cứ hàng hoá nào, chỉ cần gọi điện, hoặc email, bà Mi sẽ cho người đi tìm kiếm công ty chuyên sản xuất mẫu sản phẩm đó. Cũng từ đây, nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD được ký kết…

Hàng nhái cũng có… thương hiệu

Trong vai phiên dịch viên của đoàn thương gia châu Âu về Quảng Châu tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng dệt may, 2 ngày ròng rã, tôi được bà Mi đưa đi tham quan các khu trung tâm dệt may lớn nhất Quảng Châu. Tuy nhiên, chỉ đến chợ trung tâm dệt may Bạc Má, tôi mới thực sự “choáng”: Đủ các màu da Á, Âu, Mỹ “tụ hội” về đây. Người nào cũng khệ nệ xách theo những túi nặng.

Trung tâm Bạc Má là một toà nhà cao 10 tầng, tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố. Tầng 1 của trung tâm có phòng điều hành với gần 20 nhân viên chuyên giải đáp, hướng dẫn khách. Sau khi trao đổi với một nhân viên xinh đẹp, bà Mi đưa cho tôi sơ đồ của toà nhà. Từ tầng 1 tới tầng 4 là các gian hàng bán buôn, bán lẻ đủ loại.

Tầng 5 trở lên là các showroom (phòng trưng bày) của các hãng thời trang nổi tiếng thế giới từ quần áo trẻ em đến quần áo bà bầu, thời trang cưới. Bà Mi dẫn chúng tôi lên tầng 7 của toà nhà, nơi trưng bày các sản phẩm cao cấp dành cho nam giới. Thấy tôi thập thò máy ảnh trong tay, bà Mi ra hiệu cho tôi cất đi và giải thích: “Không ai được phép chụp ảnh ở đây. Các cửa hàng sợ bị “đánh cắp” mẫu mã.

Cảnh sát đến “hỏi thăm” ngay đấy”. Chúng tôi vào một showroom được thiết kế ấn tượng với hai màu đen và trắng, một anh chàng dáng dấp như người mẫu từ sau quầy thu ngân bước ra giới thiệu ngay. Sau khi nghe bà Mi giới thiệu, anh ta nói với chúng tôi bằng tiếng Anh khá trôi chảy: “Các mẫu của chúng tôi đều nhái theo hàng của Italia. Nhưng khó có thể phân biệt giữa hàng của chúng tôi với hàng của Italia”.

Ông cậu tôi – một trong những thành viên trong đoàn thương gia nói trên – người có gần 20 năm kinh nghiệm kinh doanh hàng dệt may tại Ba Lan cũng thừa nhận: “Hàng đẹp, từ chất liệu đến đường may. Không thua hàng hiệu thật”. Chọn lựa được 2 mẫu ưng ý, chúng tôi hỏi giá cả. Anh chàng cao to nói ngay: “Nếu các ông ký hợp đồng lấy hàng với số lượng lớn, giá của mỗi cái là 250 CNY (nhân dân tệ, tương đương 500 nghìn đồng Việt Nam). Hàng chúng tôi giao tận cảng. Nhưng nếu các ông chỉ lấy một chiếc thì giá là 600 CNY (khoảng 1,2 triệu đồng). Các ông muốn gắn mác của hãng nào, chúng tôi sẽ làm theo như ý”.

Chỉ một mẫu cậu tôi ưng nhất anh ta nói luôn: “Mẫu này mới nhất, chúng tôi không bán lẻ”. Bà Mi giải thích với anh chàng bán hàng: Bây giờ chúng tôi lấy hàng mẫu, chỉ mua mỗi loại 1 chiếc. Sau khi về xem xét chúng tôi sẽ tới đặt hàng. Nhưng anh chàng bán hàng gạt luôn: “Không được. Rất nhiều người đến đây mua mẫu của chúng tôi rồi về nhái lại. Chúng tôi phải bảo vệ thương hiệu cho hàng của mình!”.

Không thể thương lượng trả giá, ông cậu tôi mua mẫu 3 chiếc áo khoác với giá gần 2.000 tệ (khoảng 4 triệu đồng). Ra khỏi cửa hàng, cậu tôi cho biết: “Một chiếc tương tự cậu bán buôn tại Ba Lan là 3 triệu đồng. Còn tại Việt Nam, cậu thấy có cửa hàng đề tới 5 triệu đồng”.

Thế giới có gì, Quảng Châu có cái đó…

Tranh thủ lúc ông cậu tôi đàm phán về hàng hoá với một chủ hàng, tôi lang thang khắp chợ Bạc Má. Tầng cao là showroom thời trang nhái nhãn mác của các hãng cao cấp thế giới, giá cả cũng “hơi căng”, từ hàng của Valentino Mango, Milano, Versace, Boss, Charrio… đến thời trang của các hãng nổi tiếng của Trung Quốc. Tầng 2, tầng 3 hàng dành cho giới trẻ với các mẫu quần áo Tokyostreet, hiphop.

Giá bán buôn mỗi cái từ 25-30 CNY (60 nghìn đồng), còn giá bán lẻ đều gấp 2-3 lần. Tất cả các gian hàng đều được sắp xếp ấn tượng. Thay vì dùng ma-nơ-canh, các cô bán hàng kiêm người mẫu mặc luôn sản phẩm có trong gian hàng để giới thiệu. Quầy hàng nào cũng có 4-5 cô gái trang điểm cầu kỳ với các số đo cực chuẩn đứng chào mời.

Khách mua hàng có thể xoay tròn ngắm hàng từ mọi góc độ mà không phải nghe những tiếng phàn nàn. Gần 3 tiếng đồng hồ, tôi chỉ đi, không dừng chân ở bất kỳ cửa hàng nào nhưng cũng chỉ đi hết 4 tầng của toà nhà.

Hợp đồng 100 nghìn USD qua… alô

Sau khi đi tham khảo hàng, bà Mi đàm phán với chúng tôi về phương thức “đánh hàng” từ Quảng Châu sang Đông Âu. Theo lời bà, chỉ cần gửi mẫu hàng qua email và gọi điện cần hàng vào ngày nào, công ty của bà sẽ có hàng gửi sang đúng theo hợp đồng.

Những chuyến đầu chưa quen, đối tác phải trả 100% giá trị hàng nhưng những chuyến sau, cứ 3 công hàng (40 feet/ công tương đương 80-100 nghìn sản phẩm), bà Mi sẽ cho nợ lại 1 công. Cần nhãn mác nào, bà sẽ yêu cầu công ty gắn mác đó. Chia tay bà Mi, chúng tôi còn được nghe dặn với theo: “Năm nay Trung Quốc xuất hàng dệt may phải cần quota, nhưng từ sang năm, bỏ hạn ngạch, quần áo Trung Quốc sẽ tràn khắp thế giới”.

Danh Mục Khác

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>