Những điều cần ghi nhớ trong luật thuê nhà
Hợp đồng theo luật thuê nhà
Theo quy định, hợp đồng thuê nhà phải ghi rõ họ, tên, nghề nghiệp người có nhà cho thuê và người thuê nhà. Trong hợp đồng cũng phải có địa điểm, diện tích nhà cho thuê (diện tích chính, diện tích phụ), tình trạng nhà cửa và thiết bị trong nhà, giá thuê nhà, thời hạn thuê nhà và những cam kết khác. Luật thuê nhà quy định hợp đồng phải có chữ ký của người cho thuê và người thuê nhà hoặc những người đại diện hợp pháp của hai bên. Hợp đồng hoặc giấy thuê nhà chỉ có giá trị sau khi đã được đăng ký ở các cơ quan quản lý nhà, đất sở tại. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng cũng phải được đăng ký tại cơ quan ấy.
Sau khi hợp đồng đã được đăng ký, bên cho thuê nhà phải kịp thời giao nhà cho bên thuê theo đúng tình trạng đã ghi trong hợp đồng. Khi chưa hết hạn trong giấy thuê nhà, bên thuê nhà có thể trả lại nhà thuê nhưng phải báo cho bên cho thuê biết trước 15 ngày; phải trả lại nhà cùng các thiết bị trong nhà đúng như tình trạng đã ghi trong hợp đồng. Khi hợp đồng thuê nhà hết hạn, bên thuê nhà được quyền tiếp tục thuê và ký hợp đồng mới. Nếu bên cho thuê và bên thuê nhà chưa ký xong hợp đồng mới thì hợp đồng cũ vẫn còn giá trị nhưng không được kéo dài quá ba tháng.
Trong thời hạn hợp đồng, nếu là nhà do cơ quan quản lý nhà đất cho thuê, cơ quan này có thể lấy lại nhà để sử dụng vào việc khác cần thiết hơn, nhưng phải báo cho bên thuê nhà biết trước một tháng, sắp xếp cho bên thuê ở một nhà khác và ký lại hợp đồng.
Trường hợp nhà cho thuê thay đổi quyền sở hữu, bên thuê nhà vẫn được tiếp tục ở cho đến khi hết hạn hợp đồng sau đó bên thuê nhà và người chủ mới thương lượng với nhau ký kết hợp đồng mới. Theo luật thuê nhà, bên cho thuê có thể yêu cầu cơ quan quản lý nhà đất cho hủy bỏ hợp đồng khi bên thuê nhà trong các trường hợp sau:
– Không trả tiền thuê nhà từ ba tháng trở lên.
– Bỏ trống nhà không sử dụng từ ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng.
– Sử dụng nhà không đúng mục đích kiến trúc của nhà hoặc không theo đúng hợp đồng.
– Làm hư hỏng nghiêm trọng nhà cửa, thiết bị.
– Cho người khác thuê lại nhà hoặc một phần nhà mà không được bên cho thuê nhà đồng ý.
Xem Thêm: Top 5 dự án căn hộ cao cấp tốt nhất ở Ahmedabad
Quy định và sửa chữa nhà cho thuê
Bên thuê nhà có trách nhiệm:
– Trả tiền thuê nhà đủ và đúng kỳ hạn.
– Sử dụng nhà theo đúng mục đích kiến trúc của nhà hoặc theo đúng như ghi trong hợp đồng.
– Sử dụng nhà hợp lý theo tiêu chuẩn về diện tích do Nhà nước quy định.
– Trong những ngôi nhà có nhiều hộ ở, không được tự ý chiếm để dùng riêng cho mình những diện tích phụ dùng chung cho các hộ.
– Giữ gìn tốt nhà cửa, thiết bị và không được:
– Đục tường, trổ cửa, sửa đổi kiến trúc của nhà, hoặc xây dựng mới trái với quy định của Nhà nước và không được bên cho thuê nhà đồng ý.
– Chứa chất nổ, chất dễ cháy, chất dễ làm hư hỏng nhà trái với quy định của Nhà nước và không được bên cho thuê nhà đồng ý.
– Tháo dỡ, di chuyển những thiết bị trong nhà, lấp cống rãnh, giếng nước, chặt phá cây cối xung quanh nhà mà không được bên cho thuê nhà đồng ý.
Theo luật thuê nhà, bên cho thuê nhà có trách nhiệm sửa chữa nhà hư hỏng khi sự hư hỏng không phải do bên thuê nhà gây ra. Ngược lại, bên thuê nhà làm hư hỏng nhà cửa, thiết bị thì phải sửa chữa lại hoặc bồi thường những thiệt hại đã gây nên.
Khi đã được bên thuê nhà báo trước mà bên cho thuê nhà không kịp thời sửa chữa nhà hư hỏng, để xảy ra tai nạn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của bên thuê nhà thì bên cho thuê phải chịu trách nhiệm bồi thường và có thể bị truy tố trước Tòa án.
Mỗi khi sửa chữa nhà hư hỏng cần di chuyển tạm những người ở trong nhà đi nơi khác thì bên cho thuê phải báo cho bên thuê nhà biết trước một tháng để họ tự lo liệu. Sau khi nhà sửa chữa xong, bên thuê nhà được tiếp tục ở. Thời gian tạm thời di chuyển được tính thêm vào thời hạn hợp đồng.
Nhà liền tường, có nhiều tầng, nhiều phòng thuộc quyền sở hữu của những chủ khác nhau, mỗi khi hư hỏng cần sửa chữa thì các chủ nhà và người thuê căn cứ vào tình hình cụ thể và những nguyên tắc quy định trong điều lệ này, bàn bạc với nhau để tiến hành sửa chữa và chia nhau chịu phí tổn.
Leave a Reply